Giới thiệu sản phẩm Chuột máy tính Asus ROG Gladius II
Đã một thời gian rất lâu rồi chúng ta mới được thấy một sản phẩm chuột thành công đến từ ASUS. Cũng giống như người đàn anh Gladius được ra mắt vào năm 2014, sự ra đời của ASUS ROG Gladius II với mắt đọc mới cùng sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng Aura của ASUS và Omron switch đã tạo nên những thành công nhất định cho hãng sản xuất danh tiếng này. Ngay khi ra đời, Gladius II đã được coi là “kì phùng địch thủ” của Razer DeathAdder Elite. Hãy cùng xem qua với mức giá 99$ trên Amazon và gần 2 triệu trên Tekshop thì Gladius II có gì đáng để chúng ta phải móc hầu bao!
THÔNG SỐ CƠ BẢN
– Kiểu kết nối: Có dây
– Kích thước: 126 x 67 x 45mm
– Trọng lượng: 110g khi không gắn dây cáp
– Mức DPI tối đa: 12000
– Dây cáp: 2m dây cáp USB bọc dù, 1m dây cáp USB dạng thường
– Switch: 2 switch Omron đến từ Nhật Bản và 2 switch tặng kèm trong hộp
MỞ HỘP
ASUS ROG Gladius II được đặt trong một chiếc hộp đậm chất ROG thường thấy, với một hình ảnh cỡ lớn của sản phẩm ở mặt trước của hộp.
Mở hộp ASUS ROG Gladius II
Phía bên trong, Asus cho đi kèm với sản phẩm của mình một quyển sách hướng dẫn sử dụng, một túi đựng chuột, và 2 dây cáp như tôi đã đề cập ở trên. Đặc biệt nhất chính là 2 switch Omron được thêm vào, có vẻ như Gladius II muốn thỏa mãn được cả những game thủ có thú vui “xác thịt” mở chuột thay switch.
THIẾT KẾ
Cái nhìn đầu tiên cho thấy Gladius II khá giống với DeathAdder Elite. Thoạt nhìn thì chuột có vẻ được thiết kế theo kiểu “ambidextrous”, nhưng thực ra lại mang nhiều hơi hướng dành cho người thuận tay phải, phù hợp với các tựa game FPS tốc độ cao.
Phía đuôi chuột là logo ROG, đồng thời cũng là phần thứ 1 trong 3 phần “tỏa sáng” trên thân thể của Gladius II.
Phía bên trái của ASUS ROG Gladius II
Khi nhìn sang bên hông trái của Gladius II, chúng ta có thể thấy hai nút phụ “Forward” và “Back” cùng một nút thứ 3 khá là lạ ở ngay phía dưới, nút này được ROG gọi là “nút bấm DPI mục tiêu”. Về cơ bản thì nó có chức năng tăng, hoặc giảm mức DPI của chuột tùy thuộc vào thời gian bạn giữ nút. Xung quanh các nút bấm này cũng được thêm vào phần cao su giúp bạn cầm chuột chắc chắn hơn.
Phía bên phải của ASUS ROG Gladius II
Phía hông phải của chuột thì trông có vẻ nhàn rỗi hơn khá nhiều vì không có thêm bất kì nút bấm nào mà chỉ có phần cao su tương tự như phía bên kia của chuột.
Mặt trên của Gladius II là nút cuộn chuột cùng nút chỉnh DPI nóng được đặt ngay phía sau. Và nút cuộn chuột này chính là phần thứ 2 trong 3 phần “tỏa sáng” của chú chuột chơi game này.
Chuột chơi game ASUS ROG Gladius II
Phần đầu của Gladius II có một lỗ nhỏ, chính là nơi cắm dây cáp kết nối chuột với máy tính. Với hai dây cáp được ROG đưa tới cùng sản phẩm thì các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một loại cáp vừa ý.
Mặt dưới của Gladius II là một nút cùng chỉnh các nấc DPI khá đơn giản và dễ gặp ở các loại chuột chơi game khác. Mắt đọc của chuột được mở ra qua một hình tam giác đều, tôi cá là gắn biểu tượng “Illuminati” vào đây thì vừa khít! 4 miếng feet nhỏ được đặt đều ở 4 góc của chuột, bao quanh phía mặt dưới chuột cũng chính là phần cuối cùng trong 3 phần “tỏa sáng” của Gladius II. Khi được kết nối với máy tính thì 3 phần LED của Gladius II khiến chú chuột trở nên cực kì nổi bật.
Mặt dưới của ASUS ROG Gladius II
Mắt đọc mà ROG dành cho sản phẩm này chính là Pixart PMW 3360, rất phổ biến và được nhiều game thủ ưa chuộng vì những gì mà nó mang lại, thật may vì nó đã có mặt ở Gladius II để chúng ta đỡ phải băn khoăn nhiều về chất lượng khi sử dụng chuột.
THỬ NGHIỆM ASUS ROG GLADIUS II
Thông thường để cho cảm nhận một cách khách quan nhất thì phải sử dụng chuột trong khoảng thời gian từ một đến hai tuần, nhưng khi cầm vào Gladius II thì cảm giác cần có trong khoảng thời gian đó ngay lập tức hiện hữu trong lòng bàn tay.
Quăng vài giờ đồng hồ vào tựa game Mass Effect Andromeda với mức DPI 1800 ở các màn rượt đuổi và 800 ở các pha ẩn nấp thì mọi thứ đều rất tuyệt vời. Tôi có thể dễ dàng làm loạn các “Kett stronghold” và “headshot” được mọi đối thủ với khẩu shotgun trên tay. Nếu bạn là một fan của các tựa game bắn súng thì chắc sẽ “yêu” được chú chuột này thôi. Tuy nhiên nếu bạn cần nhiều hơn các nút bấm để tùy chỉnh cho đã đời thì chắc chúng ta phải tạm biệt nhau từ đây!
Switch của mặc định của Gladius II lẫn 2 chiếc switch đi kèm khi được thay vào đều mang lại cảm giác bấm rất tốt. Hoàn toàn không có nhiều sự khác biệt giữa hai mẫu switch này dù là khác mẫu sản phẩm. Một cặp là D2FC-F-K (50M), cặp còn lại là mẫu D2F-01F.
LED của ASUS ROG Gladius II
Đèn LED của Gladius II ở cả 3 phần “tỏa sáng” đều rất tốt, led sáng đều và cho màu sắc rất chuẩn xác, không những thế phần led mặt dưới chuột còn phản chiếu xuống tạo nên hiệu ứng khá ảo và lạ mắt. Nếu được kết hợp cùng một chiếc pad cứng có led RGB nữa thì phải nói là rất tuyệt vời!
Phần mềm ROG Armoury cùng Gladius II
Phần mềm tùy chỉnh ROG Armoury cũng rất dễ sử dụng, giao diện thân thiện, chỉ mất vài phút là bạn có thể sử dụng được ngay thôi. Tuy nhiên ở phần này thì ROG chưa thể nào bằng với Razer Synapse, mặc dù đây không phải là điểm trừ lớn trong cuộc đua của Gladius II với DeathAdder Elite.
TỔNG KẾT
Tổng kết lại thì với thiết kế bắt mắt, đèn LED đẹp, phù hợp với cả kiểu “Palm” và “Claw” cùng trọng lượng hoàn hảo 110g và đầy đủ các phụ kiện cần thiết đi kèm thì ASUS ROG Gladius II là một lựa chọn tốt nếu bạn đang tìm một chú chuột chơi game cao cấp cho các tựa game FPS.
Mặc dù giá thành có cao hơn DeathAdder Elite đến từ Razer một chút nhưng bù lại những gì mà ROG mang lại cho chúng ta trong sản phẩm này thì số tiền đó cũng khá đáng giá. Và tất nhiên nếu bạn đang sở hữu một trong những sản phẩm sử dụng công nghệ ánh sáng Aura đến từ ROG thì ngại gì mà không xúc ngay một em Gladius II về cho xứng đáng fanboy ROG!